Wednesday, September 16, 2009

Chín năm của SSI

http://www.thesaigontimes.vn/Home/kinhdoanh/dautu/23218/

Hải Lý
Thứ Bảy,  12/9/2009, 12:08 (GMT+7)
(TBKTSG) - Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) vừa được cấp phép huy động vốn trong nước để đầu tư ra nước ngoài, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị SSI, cho biết.

Đợt đầu SSI dự định huy động 18-20 triệu đô la Mỹ để đầu tư vào thị trường Hoa Kỳ. Việc tăng mức vốn huy động sẽ được xem xét tùy theo biến động của thị trường chứng khoán thế giới. SSI là doanh nghiệp đầu tiên trong lĩnh vực chứng khoán được phép cung cấp dịch vụ đầu tư ra nước ngoài này.

"Tin nóng" của báo giới

Mùa thu năm 1999, ông Lê Văn Châu, vị chủ tịch đầu tiên của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), hé lộ một thông tin với TBKTSG: Nhà nước cho phép thành lập công ty chứng khoán tư nhân. Lúc bấy giờ đó là một "breaking news"(tin nóng) vì Việt Nam chưa có thị trường chứng khoán và UBCKNN đang hối hả hoàn thành các văn bản pháp lý cho việc hình thành sàn giao dịch ở TPHCM, đồng thời tìm một vài doanh nghiệp sáng giá để niêm yết. Ba tháng sau cái "breaking news" ấy, SSI chính thức được Ủy ban Nhân dân TPHCM cấp giấy phép chào đời với số vốn 6 tỉ đồng.

Bốn trong số năm cổ đông sáng lập đầu tiên của SSI là các cựu lưu học sinh ở Đức và Liên Xô cũ. Họ tốt  nghiệp các ngành khoa học kỹ thuật và luật, vốn chẳng có nhiều ràng buộc với chứng khoán. Nguyễn Duy Hưng, người góp vốn nhiều hơn cả vào công ty, từ trước đấy vài năm đã cặm cụi, đi đi về về ở Bangkok để tự học chứng khoán. Vào tháng 4-2000, khi được UBCKNN cấp giấy phép hoạt động, SSI cũng chỉ dám triển khai hai dịch vụ là tư vấn đầu tư và môi giới. Có lẽ số vốn ban đầu ít ỏi không đủ để SSI thực hiện hoạt động tự doanh.

Ngày sàn giao dịch chứng khoán TPHCM mở cửa, SSI quá nhỏ bé về vốn so với năm công ty chứng khoán đầu tiên khác của Việt Nam. Các công ty chứng khoán như BIDV, Thăng Long, ACBS đều có ngân hàng mẹ là BIDV, Quân đội, Á Châu đứng phía sau hậu thuẫn. Chứng khoán Bảo Việt thì có cả một tập đoàn tài chính "đỡ lưng". Chứng khoán Đệ Nhất được sự ủng hộ của tỉnh Bình Dương. Thế nhưng SSI lại trở thành nơi đầu tiên để nhà đầu tư nước ngoài chọn mở tài khoản. Tài khoản đầu tiên của Dragon Capital mở ở SSI. Còn nhớ Trần Thanh Tân, Tổng giám đốc VFM hiện nay, đã là khách hàng cá nhân đầu tiên của SSI. Chẳng phải ngẫu nhiên, những cá nhân và tổ chức theo đuổi tiến trình cổ phần hóa và sự thành lập thị trường chứng khoán Việt Nam từ những năm đầu thập niên 1990 lại đặt nhiều niềm tin ở SSI. Cho đến bây giờ, nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn chọn SSI làm nơi giao dịch. SSI hiện chiếm hơn một nửa số tài khoản của nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.

Từ tư vấn miễn phí đến nhà môi giới độc lập

Không phải chỉ những người đầu tư chứng khoán chọn SSI làm nhà môi giới cho họ. Không ít công ty lớn đã sử dụng dịch vụ tư vấn tài chính doanh nghiệp của SSI để niêm yết. Nguyễn Quyết Thắng, cháu nhà thơ Nguyễn Bính, một trong những thành viên sáng lập SSI, ngay từ cuối năm 2001 đã là một trong những người chấp bút cho phương án phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng của doanh nghiệp lớn nhất có ý định lên sàn lúc bấy giờ là Vinamilk. Doanh thu từ mảng tư vấn không nhiều. Có những thời điểm SSI tư vấn miễn phí cho doanh nghiệp. Đổi lại sự miễn phí ấy là kinh nghiệm cho đội ngũ nhân viên trong quá trình vừa học vừa làm từ thực tiễn.

SSI sớm hiểu giá trị của nguồn nhân lực trong ngành dịch vụ tài chính và quyết định đầu tư cho đội ngũ nhân viên. Ông Nguyễn Duy Hưng trả lời phỏng vấn TBKTSG: "Chín năm qua nhà đầu tư cá nhân trong nước đã trưởng thành rất nhanh, nhanh hơn tốc độ phát triển của thị trường". Khả năng phân tích đánh giá doanh nghiệp của nhà đầu tư cá nhân đã tốt hơn nhiều, không còn cảnh cổ phiếu đồng loạt lên trần hay xuống sàn bất kể kết quả kinh doanh cao thấp. Thậm chí một số sản phẩm ở Việt Nam chưa được áp dụng như mua bán khống, họ cũng đã hiểu bản chất của nó và độ rủi ro ra sao. Để theo kịp sự trưởng thành của giới đầu tư, các công ty chứng khoán cần một đội ngũ chuyên viên giỏi. "Những nhân viên tư vấn giỏi không phải là người chỉ cho nhà đầu tư mua bán cổ phiếu A hay B, mà là người cung cấp bức tranh toàn cảnh trung thực về doanh nghiệp để nhà đầu tư tự quyết định", ông Hưng nói. SSI cũng đang mò mẫm xây dựng mô hình nhà môi giới độc lập. Ở các thị trường phát triển, những tay môi giới độc lập của các công ty môi giới có thể đạt doanh thu hàng triệu đô la Mỹ/năm/người và họ chính là những người làm nên tên tuổi lớn của phố Wall ở Mỹ. SSI sẽ tiến tới việc khoán định mức cho nhân viên môi giới, nhưng khi nào thì câu trả lời chưa có được, có thể vì Việt Nam chưa hội tụ đủ những điều kiện cho điều đó. Việt Nam chưa có hiệp hội những nhà môi giới chứng khoán (cũng như môi giới tiền tệ). Hơn nữa, sự chế tài và đạo đức nghề nghiệp của các nhân viên môi giới chưa được điều tiết chuyên biệt bởi các quy định pháp lý.    

Rời bỏ mô hình ngân hàng đầu tư truyền thống

Ba năm trước, SSI đã lấy mô hình ngân hàng đầu tư để làm định hướng phát triển công ty. Tuy nhiên những diễn biến tài chính trong và ngoài nước của năm 2008 đã khiến SSI thay đổi cách nhìn. Ông Hưng giải thích: "Mô hình ngân hàng đầu tư độc lập khó tồn tại trong hoàn cảnh hiện nay. Mô hình định chế tài chính trung gian, kết hợp nơi cần vốn và có vốn, kể cả trên bình diện quốc tế, là tiêu điểm hướng tới của chúng tôi". Chọn được hướng đi đúng đã khó, thực hiện mục tiêu còn khó hơn. Sự cạnh tranh giữa các công ty chứng khoán nội địa ngày một khốc liệt. Gần đây, một số công ty chứng khoán, để thu hút khách hàng, đã chấp nhận cho nhà đầu tư được bán khi cổ phiếu chưa về tài khoản, hỗ trợ tiền ngày T+, ký quỹ ở mức thấp để mua cổ phiếu... Cùng trong lĩnh vực, SSI nắm rõ những sự hỗ trợ "lách luật" đó, nhưng đã không thực hiện, đơn giản bởi "nó không an toàn cho nhà đầu tư" và không phải là biện pháp giữ chân khách hàng lâu dài. Thay vào đó, SSI cạnh tranh bằng công nghệ, mở rộng cổng giao diện kết nối với máy chủ của sàn TPHCM, cho phép lệnh của nhà đầu tư vào sàn nhiều hơn, nhanh hơn. Mua và bán được cổ phiếu khi cần có thể là điều mà nhà đầu tư quan tâm hơn so với các biện pháp hỗ trợ tài chính "lách luật".

Sự thăng trầm của SSI gắn liền với thị trường chứng khoán. Giá trị vốn hóa của công ty cũng "lên thác xuống ghềnh" tùy vào giá cổ phiếu. Trong chín năm qua, cổ phiếu SSI đã có lúc tiệm tiến mức 300.000 đồng và có thời điểm rớt về hơn 20.000 đồng/cổ phiếu. Hiện tại với tổng tài sản khoảng 6.000 tỉ đồng, gấp 1.000 lần số vốn ban đầu, SSI đã là một tên tuổi được dân chứng khoán trong nước biết đến. Trong số những cổ đông sáng lập của SSI, có người đã ra đi, có người ở lại, có người nguyện sống chết cùng công ty. Cho dù đã rời vị trí thành viên sáng lập, thỉnh thoảng họ vẫn nhìn lại SSI, như tìm về một trong nhiều dấu ấn thuở khai sinh thị trường chứng khoán Việt Nam, nơi có những hạt cát đang cuốn vào dòng chảy cổ phiếu triền miên mỗi ngày!

No comments: