Saturday, October 18, 2008

Kho nhu Viet Kieu Mua Nha

Khó như... Việt kiều mua nhà
Cập nhật lúc 05:38 - Chủ nhật, 03/06/2007

Tính đến nay, TP HCM mới có hơn 100 Việt kiều được mua nhà trong nước. Để có được chủ sở hữu một căn nhà trong nước để tính chuyện làm ăn ngay trên quê hương, hầu hết Việt kiều phải thuê nhà. Khi được hỏi về điều khó khăn nhất khi tính kế sinh sống ở quê nhà, hầu hết Việt kiều đều cho rằng “dù chúng tôi có hàng nghìn tỷ đồng cũng không mua được một căn nhà tại quê hương theo đúng nghĩa”.

Theo Uỷ ban về người VN ở nước ngoài, hiện cả nước có trên 3 triệu Việt kiều đang sinh sống ở gần 100 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Thế nhưng từ khi được Nhà nước cho phép Việt kiều mua nhà tại quê hương đã được 6 năm, nhưng đến nay TP HCM mới giải quyết được hơn 100 trường hợp Việt kiều mua nhà trong nước.

Theo Uỷ ban về người VN ở nước ngoài TP HCM, số lượng Việt kiều về nước trong những năm gần đây luôn gia tăng. Thống kê cho thấy số lượng Việt kiều về nước qua cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất năm 2003 có 300.000 người, năm 2004 lên 402.000 người, năm 2005 là 450.000 người, năm 2006 lên tới 470.000 người. Bộ KHĐT ghi nhận từ năm 1988 đến nay, kiều bào VN đã đầu tư về nước khoảng 380 triệu USD và chuyển về nước hơn 20 tỷ USD, riêng năm 2006 đạt 4,8 tỷ USD.

Khó thì... “chui”

Chính vì quá khó khăn nên một bộ phận Việt kiều đã tìm cách mua "chui". Những đối tượng được mua nhà tại VN đó là: người về đầu tư lâu dài tại VN; người có công đóng góp với đất nước; nhà văn hoá, nhà khoa học có nhu cầu hoạt động thường xuyên tại VN; người có nhu cầu về sống ổn định tại VN. Tuy nhiên họ chỉ được mua nhà để ở. Khi Luật Nhà ở có hiệu lực từ ngày 1/7/2006 đã mở thêm một số đối tượng Việt kiều khác được mua nhà tại VN.

Nhưng quy định này mỗi nơi hiểu mỗi khác. Có cơ quan hiểu như: chỉ cần Việt kiều được thị thực tại VN 6 tháng trở lên, nhưng có cơ quan lại cho rằng, Việt kiều phải thực sự cư trú ở VN đủ sáu tháng trở lên mới được phép mua nhà trong nước. Mặc dù Bộ Công an giải thích chỉ cần visa ghi đủ thời hạn 6 tháng, song trong thực tế, khi đến UBND quận, huyện để xét hồ sơ mua nhà thì Việt kiều chỉ nhận được những cái lắc đầu. Trong thực tế nhiều Việt kiều được cấp hộ chiếu VN, tức là không cần nhập cảnh. Vậy căn cứ vào đâu để xác định họ đã cư trú 6 tháng tại VN?

Để mua được nhà, ngoài việc lọt vào 5 đối tượng theo quy định của Nghị định 81 thì Việt kiều phải có một trong ba loại giấy như: giấy xác nhận đăng ký công dân, xác nhận không còn hoặc mất quốc tịch VN. Những loại giấy này chỉ có cơ quan đại diện VN ở nước ngoài cấp. Trên thực tế không phải bất cứ Việt kiều nào cũng được cấp dễ dàng. Ngoài ra phải kể đến hàng loạt thủ tục giấy tờ rắc rối như việc xuất trình giấy tờ có nguồn gốc VN. Vì những hạn chế này nên số lượng Việt kiều mua nhà được là rất ít.

Thực trạng Việt kiều mua nhà tại TP HCM, nơi được xem là có lượng Việt kiều muốn mua nhà đông nhất cả nước, tuy nhiên nhiều Việt kiều muốn mua nhà thì họ còn phải chờ. Còn chờ cái gì thì… không biết. Đưa những thắc mắc này hỏi ông Võ Hoàng Châu - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM thì được giải thích: Đó là do quán tính công chức VN "luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư" hướng dẫn, cộng thêm vài câu chữ trong luật chưa rõ ràng đã khiến những quy định trong Luật Nhà ở dù có tiến bộ cũng bị vô hiệu hoá.

Ông Châu cũng nói thêm, muốn kêu gọi Việt kiều về đầu tư không chỉ ưu đãi về đầu tư mà luật cũng phải thông thoáng. Nhà ở cho Việt kiều cũng cần mở rộng đối tượng người mua để thị trường bất động sản được khai thông. Việc Việt kiều khó mua nhà ở vô tình đã tạo nên những cuộc mua bán "chui", đứng tên giùm. Và ai cũng biết, Nhà nước đã mất đi khoản thuế không nhỏ.

Có nhà không được làm chủ

Việt kiều mua nhà đã không dễ, muốn đứng tên chủ sở hữu căn nhà càng gian nan hơn. Theo quy định cũ, Việt kiều chỉ có một số quyền hạn nhất định, như được ở, tặng, cho, thế chấp hoặc được thừa kế. Nhưng không được cho thuê. Thành ra Việt kiều mua nhà ở Sài Gòn nhưng do công việc thường xuyên phải làm việc ở Đà Nẵng, Hà Nội thì căn nhà ở Sài Gòn phải bỏ trống hoặc cho thuê "chui" không có giấy tờ. Luật Nhà ở đã gỡ điểm này song nhiều nơi vẫn chưa dám động đậy.

Về thừa kế, nếu người được hưởng thừa kế là Việt kiều thì đúng là không có lối gỡ. Nếu nằm trong nhóm 5 đối tượng mua nhà đã quy định thì người được hưởng thừa kế chỉ được hưởng giá trị của phần thừa kế đó. Tức là, cái nhà trị giá 10 tỷ, anh chỉ được lấy 10 tỷ bằng tiền. Nhưng muốn có tiền thì phải bán nhà, mà không có quyền sở hữu nhà thì làm sao bán?

Trao đổi với chúng tôi, một Việt kiều bức xúc: Ở nước ngoài dù ta hay tây, da trắng hay da màu nếu có tiền thì ắt có nhà. Luật pháp ta thì đi ngược lại. Nhiều người dù có nhu cầu chỉ đành chọn giải pháp nhờ người thân, bạn bè đứng tên giùm rất phiền phức lại dễ phát sinh tranh chấp sau này.

Hiểu được cái khó của những Việt kiều muốn về nước định cư, UBND TP HCM cứ cho họ bán sau khi đã đăng ký quyền hưởng giá trị nhà thừa kế. Bộ Tài nguyên Môi trường cũng "bật đèn xanh" cho họ làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Nhưng đó mới chỉ là những giải pháp về phần đất, còn phần nhà lại do Bộ Xây dựng quản lý, chưa kể Bộ Tư pháp cũng có quyền ra các quy định phối hợp, chưa biết sau này số phận những căn nhà của Việt kiều sẽ được giải quyết ra sao?

Tuy nhiên để luật đi vào cuộc sống, cần phải tháo gỡ hơn nữa. Khi sở hữu nhà ở, Việt kiều phải được thực hiện các quyền như mua bán, cho thuê, tặng cho… như được áp dụng với người dân VN thì cơ hội để đoàn tụ gia đình cũng như Việt kiều về đầu tư trong nước sẽ được tăng lên. Mặt khác, Việt kiều có nhà trong nước, đó là địa chỉ để những thế hệ F1, F2 tìm về, qua đó cũng có cái nhìn đúng đắn về quê hương xứ sở. Không chỉ dừng lại đó mà hàng trăm nghìn trong số hơn 3 triệu kiều bào VN ở nước ngoài về nước mua nhà, tạo nguồn lực lớn cho việc phát triển kinh tế, thu hút nhân tài, góp phần phát triển thị trường bất động sản.

Nguồn: Diễn đàn doanh nghiệp

No comments: