***** Begin quote *****
Lao động Việt kiều rủ nhau về nước tìm việc
4 tháng qua, lượng hồ sơ Việt kiều tìm việc qua các công ty tuyển dụng trong nước tăng khoảng 30-40%. Đánh giá của các chuyên gia nguồn nhân lực, khủng hoảng kinh tế là nguyên nhân đưa nhiều kiều bào về nước. > Việt kiều về nước tránh khủng hoảng
Trung bình một năm, Công ty tư vấn nguồn nhân lực Netviet tiếp nhận khoảng 60-70 hồ sơ đăng ký ứng tuyển của người Việt sinh sống tại Mỹ, Canada, Australia. Song theo Phó giám đốc Tam Thanh Thiên Trang, chỉ từ cuối năm ngoái đến nay đã có gần 200 hồ sơ.
Tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu khiến nhiều tập đoàn, công ty trên thế giới cắt giảm nhân sự, nhiều người rơi vào cảnh mất việc, lao động Việt kiều cũng không là ngoại lệ. Trước tình hình đó, nhiều người chọn giải pháp trở lại quê hương.
Theo bà Trang, một số kiều bào gửi hồ sơ trực tuyến, nếu công ty giới thiệu công việc ưng ý, ổn định, họ sẽ thu xếp về nước đảm nhận ngay công việc mới. Tuy nhiên, cũng có một số người về hẳn vì đã bị sa thải và những khoản trợ cấp thất nghiệp ở nước ngoài không thể đảm bảo cuộc sống.
Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ tư vấn nguồn nhân lực Mai Anh, bà Trần Thị Phương Linh cho biết, gần 10 thông tin tìm việc của Việt kiều đã gửi đến trong hơn tháng qua. Trong khi những tháng trước, hầu như không có đối tượng này xin việc.
Hàng nghìn lao động đến tìm cơ hội tại Sàn giao dịch việc làm TP HCM
năm 2009. Ảnh: B.H.
Tại Công ty tư vấn nhân sự Loan Lê, lượng hồ sơ của Việt kiều có nhu cầu tìm việc cũng đã tăng khoảng 30%.
Vị trí ứng tuyển đa phần thuộc lĩnh vực ngân hàng, tài chính, công nghệ thông tin, viễn thông, IT, quản lý nhà hàng khách sạn...
Thông thạo ngoại ngữ, phong cách làm việc năng động, tự tin, lại có kiến thức và vốn tiếng Việt sẵn có... đối lượng lao động Việt kiều là ứng viên sáng giá cho các cấp quản lý, nhất là ở các công ty nước ngoài. Tuy nhiên, từ cuối năm 2008, nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam co hẹp nhu cầu tuyển dụng, thậm chí ngừng tuyển, trong khi cầu lao động đang có xu hướng tăng.
Chính vì vậy, theo bà Trang, tỷ lệ tuyển dụng thành công ở đối tượng Việt kiều suy giảm đáng kể. Nếu trước đây, giải quyết 50/60 trường hợp, thì nay chỉ giúp cho khoảng 50/200 người có công việc ưng ý.
Trước xu thế cạnh tranh gay gắt giữa lao động trong và ngoài nước, đề xuất mức lương của Việt kiều cũng hạ xuống, còn khoảng 5.000-6.000 USD mỗi tháng thay vì yêu cầu đến 10.000 USD như những năm trước đối với cấp quản lý. Ngoài ra, họ cũng không quá đòi hỏi các khoản trợ cấp khác như trước đây.
Bà Tiêu Yến Trinh, Tổng giám đốc Talennet Corporation cũng cho rằng, chi phí cho người lao động Việt Nam hiện thấp hơn so với người nước ngoài. Người Việt Nam được ưu tiên chọn hơn cho tất cả vị trí nhân viên và cao nhất là trưởng phòng. Song, đối với cấp quản lý, lãnh đạo, người nước ngoài lại có những ưu thế nhất định về kiến thức rộng, kinh nghiệm làm việc ở môi trường quốc tế... vốn là khoảng trống mà lao động người Việt còn cần phải bổ sung. Do vậy, người nước ngoài sẽ được cân nhắc hơn cho các vị trí quản lý cấp cao.
Còn theo ông Phan Thành, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài tại TP HCM, lượng lao động Việt kiều về nước tìm việc chưa đến mức "báo động" sẽ làm cho thị trường lao động trong nước cạnh tranh khắc nghiệt.
Cũng cùng ý kiến này, Giám đốc Sở Lao động thương binh xã hội TP HCM Nguyễn Thành Tâm cho rằng, nếu Việt kiều có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao về phục vụ cho đất nước là điều đáng hoan nghênh.
Có kế hoạch định cư luôn ở Việt Nam, chị Vy, một Việt kiều từ Mỹ về nước mấy tháng nay thông qua các công ty săn đầu người để tìm vị trí sale, vốn có 3 năm kinh nghiệm ở lĩnh vực này, song vẫn chưa nhận hồi âm. Với mong muốn nhanh chóng có việc, chị Vy cho biết sẽ hạ mức lương đề xuất xuống khoảng 40% (còn khoảng 600 USD) để có thể được tuyển, theo như lời khuyên của nhiều bạn bè trong nước.
Bạch Hường
***** End quote *****
How do you think?
No comments:
Post a Comment